Tín dụng đối với doanh nghiệp bất động sản như “nguồn sữa mẹ”

Tín dụng ngân hàng luôn là nguồn vốn hỗ trợ đắc lực nhất cho thị trường BĐS trong thời gian qua. Do đó, việc kiểm soát tín dụng đối với BĐS đang là “bóng mây đen” tạo ra sự ảm đạm trên thị trường.

Tín dụng đối với doanh nghiệp bất động sản như “nguồn sữa mẹ”

Bất động sản tiếp tục bị đưa vào “tầm ngắm” của Ngân hàng Nhà nước

Tại báo cáo phục vụ chất vấn vừa gửi Quốc hội trong Kỳ họp thứ 3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã thông tin về nội dung liên quan đến việc quản lý, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2.288.278 tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, hiện nay khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung và dài hạn (từ 10 đến 25 năm) trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữ nguồn vốn và cho vay đối với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với hệ thống ngân hàng.

“Ngân hàng Nhà nước đánh giá lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là lĩnh vực rủi ro đối với hệ thống ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát”, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản, đồng thời, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mua, đầu tư nhà ở tự sử dụng, tiêu dùng, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ. Tiếp tục rà soát và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững, đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng tập trung kiểm tra các hồ sơ cấp tín dụng lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng. Từ đó phát hiện các vấn đề, tồn tại, vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng để kịp thời xử lý vi phạm, đưa ra các kiến nghị, khuyến nghị cụ thể hạn chế rủi ro của các tổ chức tín dụng trong hoạt động cấp tín dụng nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng.

Mặc dù tình hình cấp tín dụng cũng như chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn đang được Ngân hàng nhà nước kiểm soát ổn định nhưng để hạn chế tác động của thị trường bất động sản đối với nền kinh tế vĩ mô, tiền tệ, cần có giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ với sự phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan để lành mạnh hóa, xây dựng thị trường bất động sản an toàn, bền vững.

Như vậy, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng đối với bất động sản như nhiều năm qua vẫn làm. Trả lời chất vấn của Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, bản chất của tín dụng bất động sản thường là giá trị lớn và kỳ hạn dài trong khi tiền gửi của ngân hàng chủ yếu là tiền gửi ngắn hạn. Do đó, nếu tổ chức tín dụng không kiểm soát được cho vay bất động sản thì sẽ gặp rủi ro khi khách hàng rút tiền mà chưa đòi được các khoản cho vay dài hạn. Còn việc cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản thì do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và ra quyết định trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của chính tổ chức tín dụng đó và toàn hệ thống.

Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng đã nhiều lần nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản nào chỉ đạo việc siết tín dụng hay chặn tín dụng bất động sản mà chỉ kiểm soát rủi ro đối với tín dụng bất động sản. Đối với những dự án khả thi, hiệu quả thì dù lớn hay nhỏ đều được các ngân hàng thương mại xem xét quyết định cho vay.

Tuy nhiên trên thực tế, việc khó tiếp cận vốn vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại là một trong những khó khăn lớn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại. Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, khi vay vốn, nhiều ngân hàng thương mại cho biết “đã hết room” nên không giải ngân.

Mặt khác, với khoảng 20 - 30% tổng số lượng khách cần tới nhu cầu đòn bẩy tài chính từ ngân hàng, việc kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn đang khiến thị trường bất động sản “đi ngang”, có dấu hiệu trầm lắng và ảm đạm ở thời điểm lẽ ra phải khởi sắc sau khi đại dịch đi qua.

Kiểm soát tín dụng như chặn “nguồn sữa” nuôi lớn các doanh nghiệp bất động sản

Thực tế, trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn phát đi cảnh báo và kiểm soát chặt hoạt động cho vay bất động sản. Ngân hàng Nhà nước đồng thời cũng yêu cầu các ngân hàng chỉ dành ra một tỷ lệ nhất định trong tổng dư nợ để cho vay lĩnh vực này nhằm giảm rủi ro.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu trong danh mục cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại chỉ được phép cho vay trong giới hạn tỷ lệ 8% tổng tín dụng chung của ngân hàng thương mại, tức tỷ lệ cho vay bất động sản không được vượt quá 8% tổng tín dụng chung của ngân hàng thương mại. Trước chủ trương kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại cũng đã có văn bản tạm dừng giải ngân các khoản cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, để đảm bảo an toàn cho thị trường tiền tệ và thị trường bất động sản trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn điều hành chính sách một cách linh hoạt nhằm kiểm soát tình hình cấp tín dụng song không làm xáo trộn thị trường bất động sản như ban hành Thông tư số 19/2017/TT-NHNN có lộ trình cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng Nhà nước được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn với tỷ lệ tối đa theo lộ trình. Theo đó, từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2018 là 45%; từ ngày 01/01/2019 là 40%; đồng thời quy định nhóm tài sản có hệ số rủi ro 200% là các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản. Thông tư số 22/2019/TT- NHNN (thay thế Thông tư 19/2017/TT-NHNN) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 tiếp tục lộ trình kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, theo đó, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2020, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn là 40%; từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2020 là 37%; từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022 là 34% và kể từ ngày 1/10/2022 sẽ giảm xuống 30%.

Ngoài ra, với các khoản vay cá nhân phục vụ mua nhà, hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản cũng được điều chỉnh tăng từ 150% lên 200%. Đối với các khoản phải đòi khác như đối với cá nhân phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỷ đồng trở lên sẽ nâng lên 150% kể từ ngày 1/1/2021.

Thực tế từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm, thị trường chứng khoán thăng hoa, lo sợ lạm phát người dân tìm kênh đầu tư an toàn là tích trữ vàng và tìm mua bất động sản, dẫn đến giá bất động sản nhiều khu vực đẩy lên cao; tình trạng sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Để hạn chế dòng vốn tín dụng chảy vào thị trường bất động sản trong bối cảnh từ 1/10/2022 các tổ chức tín dụng phải tuân theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN phải đưa lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 30%. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022, trong đó chỉ đạo các ngân hàng thương mại không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại tập trung hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên… Tại Quyết định số 422/QĐ-NHNN Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước một lần nữa yêu cầu các tổ chức tín dụng ưu tiên, tập trung cho vay đối với các ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích, phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế…

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan, các tổ chức tín dụng đã chủ động giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn đầu tư trung, dài hạn đưa về giới hạn tối đa 30%, do vậy dẫn đến có tổ chức tín dụng còn tỷ lệ giới hạn thì cho vay trung, dài hạn trong đó có bất động sản, còn tổ chức tín dụng nào sử dụng hết tỷ lệ giới hạn sẽ hạn chế, thậm chí siết cho vay bất động sản để tập trung cho các dự án sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, lãi suất cho vay mua nhà để ở trên thị trường hiện nay rất đa dạng, lãi suất cho vay sửa chữa nhà cửa, kinh doanh bất động sản có chiều hướng tăng từ 0,5 - 1,5%/năm.

Dù các kênh vốn trên thị trường đang khá đa dạng, nhưng từ trước đến này, hầu hết các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Với các doanh nghiệp bất động sản, vốn tín dụng như “nguồn sữa mẹ”. Chính vì thế, việc kiểm soát tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (dù có lộ trình) trong khoảng 5 năm qua đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường bất động sản. Doanh nghiệp phải chủ động xoay xở nguồn vốn. Từ năm 2019, hàng loạt doanh nghiệp đã chủ động chuyển sang huy động vốn thông qua phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, sau đại dịch, nhu cầu vốn để phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh gia tăng, trong khi nguồn vốn ngân hàng vẫn như khe cửa hẹp, nhiều doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh hơn phát hành trái phiếu để huy động vốn từ nhà đầu tư thứ cấp.

Nhu cầu phát hành trái phiếu tăng trong khi khung pháp lý cho hoạt động của thị trường vốn vẫn chưa hoàn chính, chặt chẽ đã gây ra rủi ro lớn trên thị trường. Và sau một thời gian ồ ạt phát hành, xảy ra một vài vụ việc tiêu cực khiến nhà đầu tư hoang mang, hoạt động phát hành trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ. Trong nhiều tháng qua, khối lượng phát hành trái phiếu giảm mạnh.

Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát tín dụng, kênh trái phiếu cũng bị “chặn”, doanh nghiệp bất động sản đang rất chật vật trong việc xoay xở nguồn vốn.

“Ngân hàng chưa siết chặt nhưng cũng đã có những động thái hạn chế, kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản. Tất nhiên, doanh nghiệp muốn phát triển sẽ phải chủ động xoay xở nguồn vốn, tìm nguồn vốn mới không phụ thuộc vào ngân hàng. Nhưng rõ ràng, khi kiểm soát, lập tức các doanh nghiệp đầu tư bất động sản sẽ khó khăn trong việc xoay vòng vốn, thị trường bất động sản sẽ trầm lắng hơn khi tâm lý của khách hàng cũng bị ảnh hưởng”, ông Lê Hoàng Hoán, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Việt khẳng định.

Theo doanh nghiệp này, việc hạn chế tín dụng của ngân hàng đối với bất động sản là cần thiết để tránh những rủi ro không đáng có nhưng cần có sự chọn lọc, không nên kiểm soát hay siết chặt.

“Kiểm soát để phát triển chứ không kiểm soát để thị trường đi xuống. Càng can thiệp sâu vào thị trường thì chu kỳ phát triển của thị trường càng không ổn định”, ông Hoán nói.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, hiện nay, trong hơn 20% tổng dư nợ của ngân hàng cho bất động sản, có đến 65% là cho vay mua nhà ở, còn lại 35% là cho vay kinh doanh bất động sản. Thời gian vừa qua cũng đã có sự kiểm soát chặt chẽ hơn về dòng vốn cho vay bất động sản của ngân hàng.

 

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, việc kiểm soát tín dụng vào bất động sản có thể dẫn tới nhiều hệ lụy. Thứ nhất, đó là làm giảm nhiệt thị trường, thị trường sẽ trầm lắng hơn bởi khi không còn sử dụng đòn bẩy tài chính, nhu cầu đầu tư sẽ giảm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng khó khăn do không tiếp cận được nguồn vốn để hoạt động, kéo theo mất cân đối cung cầu, khiến giá nhà ở tăng cao và mặt bằng giá các phân khúc bất động sản khác cũng tăng theo.

Mặt khác, khi nhiều dự án bị gián đoạn do thiếu vốn triển khai hoặc triển khai xong nhưng không bán được hàng do người mua không tiếp cận được vốn vay, nợ xấu ngân hàng sẽ tăng lên.

“Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng họ khó có niềm tin về sự tăng trưởng trở lại của ngành bất động sản khi các hoạt động kiểm soát vốn đang diễn ra. Nếu kiểm soát vốn tín dụng một cách thái quá thì doanh nghiệp sẽ lo lắng và rất khó triển khai các dự án mới, trong khi đây là nhu cầu phục hồi trước mắt cũng như lâu dài của doanh nghiệp”, TS. Cấn Văn Lực khẳng định.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng đồng tình, việc tiếp tục kiểm soát tín dụng chảy vào bất động sản, chắc chắn sẽ có tác động đến thị trường, người mua nhà, nhà đầu tư và doanh nghiệp địa ốc và cả các ngân hàng thương mại.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, trước hết, nhiều doanh nghiệp lớn dựa vào vốn vay ngân hàng để phát triển dự án sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không có vốn để phát triển dự án. Thậm chí, các doanh nghiệp này sẽ thiếu vốn sản xuất kinh doanh, dẫn đến việc thu hẹp quy mô phát triển dự án và khả năng cung cấp các sản phẩm bất động sản cho thị trường. Khi nguồn cung sụt giảm sẽ làm cho các bất động sản tăng giá trong tương lai.

Thứ hai, những doanh nghiệp có dự án đang hình thành và đang bán các sản phẩm bất động sản cũng sẽ bị ảnh hưởng vì người mua nhà sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, tính thanh khoản bị ảnh hưởng.

Thứ ba, phần lớn những người có nhu cầu mua nhà để ở đều cần vay vốn mua bất động sản do chưa tích lũy đủ năng lực tài chính, trong đó chủ yếu là mua chung cư và thế chấp bằng chính tài sản đó. Đây lại là nhóm khách hàng nằm trong danh sách mà các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay mua bất động sản.

Thứ tư, việc cho vay là nhiệm vụ lớn và đem lại nhiều lợi nhuận cho các ngân hàng thương mại Việt Nam trong thời gian qua và thời gian tới. Bất động sản vẫn là lĩnh vực đem lại lợi nhuận nhờ nhu cầu của thị trường lớn, món cho vay gọn, lãi suất cho vay cao nên ngân hàng thương mại không bỏ qua. Khi nguồn vốn tín dụng bị giảm đột ngột, nhiều dự án bất động sản dở dang sẽ gặp trở ngại trong thanh khoản, doanh nghiệp không trả được nợ vay, các ngân hàng thương mại lại đối diện với nguy cơ nợ xấu và phải mất nhiều năm mới xử lý được.

 

TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng bất động sản là giải pháp nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, giúp thị trường trở nên minh bạch, tránh xảy ra bong bóng bất động sản. Đây là việc cần thiết để lành mạnh hóa thị trường bất động sản, giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường địa ốc tăng “nóng” thời gian qua khi đa số các nhà đầu tư đều sử dụng đòn tài chính.

Tuy nhiên chủ trương kiểm soát tín dụng khiến người dân, nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng. Hệ quả, một số chủ đầu tư đã tiến tới phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao, song thông tin thiếu minh bạch, sử dụng vốn không vào mục đích phát hành, thiếu cơ chế kiểm soát. Đây là điểm lo ngại vì có thể dẫn tới nguy cơ đổ vỡ domino khi doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, ảnh hưởng xấu đến hoạt động ngân hàng.

Bất động sản và tài chính là hai mặt của một đồng xu, không thể tách rời

Để kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản, chống đầu cơ, nhưng cũng tránh làm đóng đóng băng thị trường bất động sản, gây tác động xấu đến hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế, trên cơ sở phản ánh của các tổ chức tín dụng, TS. Nguyễn Quốc Hùng đề xuất một số giải pháp.

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách tín dụng đối với thị trường bất động sản trong đó cần phân biệt rõ hơn bất động sản phục vụ nhu cầu thiết yếu và không thiết yếu để ưu tiên tập trung nguồn vốn phát triển, tránh phát triển quá nóng, gây bong bóng thị trường bất động sản. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, do đó, nên cân nhắc xem xét lùi lộ trình đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn là cần thiết tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Thứ hai, cần phát triển thị trường tài chính theo hướng hài hoà giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Đẩy mạnh phát triển thị trường vốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản huy động nguồn vốn dài hạn, góp phần làm giảm lệ thuộc vào dòng vốn tín dụng ngân hàng.

“Ngành bất động sản là ngành chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, do đó doanh nghiệp bất động sản cũng cần phải nhận được sự hỗ trợ về cơ chế, thuế, vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc kiểm soát chặt nguồn vốn (tín dụng, phát hành trái phiếu) cần thận trọng xem xét một cách hợp lý, tránh sốc thị trường bất động sản, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung đến các thị trường khác trong bối cảnh Chính phủ có các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19”, TS. Trương Quốc Hùng khẳng định.

Ngoài ra, ông Hùng cho rằng, cần xây dựng hệ thống thông tin về mua bán, thế chấp bất động sản thống nhất trên toàn quốc, thông qua hệ thống cổng thông tin quốc gia để góp phần công khai, minh bạch hóa thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cho vay nhận thế chấp tài sản bảo đảm là bất động sản an toàn, hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài Chính) cho rằng, các nhà làm chính sách cần thay đổi lại suy nghĩ về vai trò của bất động sản, phải đánh giá và nhìn nhận đúng, rằng bất động sản là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là kết quả và đầu vào của tăng trưởng.

Theo chuyên gia này, thị trường bất động sản cơ bản vẫn phải phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng như hai mặt của 1 đồng xu, có sự đồng hành với nhau. Khi thị trường xuất hiện nguy cơ rủi ro và phát sinh tiêu cực, cần lành mạnh hóa mối quan hệ này. Theo đó, việc kiểm soát cần có chọn lọc, tránh đánh đồng các dự án và doanh nghiệp bất động sản như nhau.

“Tôi khẳng định, bất động sản và tài chính là 2 mặt của 1 đồng xu, phải gắn liền. Việt Nam đang trong bối cảnh cần cẩn thận, dù chúng ta vượt qua đại dịch, nhưng tăng trưởng kinh tế thấp. Nếu không xem xét cẩn trọng thị trường bất động sản - tài chính và nền kinh tế sẽ dễ bị suy thoái và lạm phát.

Vấn đề chúng ta đang đối mặt là thị trường bất động sản phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng tín dụng. Do đó, điều cốt lõi là phải lành mạnh hóa mối quan hệ bất động sản - tài chính, kinh tế. Bởi nếu tiếp tục siết tín dụng, sẽ bóp chết bất động sản", TS. Vũ Đính Ánh nhấn mạnh.

Vậy phải lành mạnh hóa mối quan hệ giữa bất động sản và tài chính như thế nào, kiểm soát dòng vốn tín dụng vào bất động sản ở mức độ nào để không “chặn cửa” huy động vốn của các doanh nghiệp chân chính và đẩy thị trường vào trạng thái trầm lắng?

Nguồn Internet



Bài viết xem thêm

Ước tính khoản vay

Bạn vui lòng điền thông tin dưới đây

Họ và Tên (*)
Mục đích vay
Số điện thoại (*)
Ngân hàng

Dùng chuột để chọn khoản vay và thời hạn vay



Số tiền vay

300 triệu
30 tỷ



Thời gian vay

6 tháng
420 tháng

số tiền cần trả hàng tháng

noneđồng (*)

(*) Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo

Gửi yêu cầu tư vấn đến chuyên gia hỗ trợ

Để lại thông tin của bạn bên dưới, chuyên gia sẽ liên hệ tư vấn ngay...

Họ và tên (*)
Số điện thoại (*)
Khu vực (*)
Sản phẩm (*)

Lý do khách hàng chọn chúng tôi

Tài chính nhanh 24h tự tin mang lại sự hỗ trợ tốt nhất dành cho khách hàng.

Chuyên gia tư vấn Miễn phí - Chuyên nghiệp

Chuyên gia tư vấn Miễn phí - Chuyên nghiệp

Hỗ trợ tư vấn ngân hàng tốt nhất - Phù hợp với nhu cầu khách hàng

Hỗ trợ tư vấn ngân hàng tốt nhất - Phù hợp với nhu cầu khách hàng

Quy trình vay đơn giản & Tiết kiệm thời gian khách hàng

Quy trình vay đơn giản & Tiết kiệm thời gian khách hàng